TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH

Ngày 16 tháng 7 năm 1959, Bộ trưởng Bộ Giáo dục ký Nghị định số: 375/NĐ thành lập Phân hiệu Đại học Sư phạm Vinh. Ngày 28 tháng 8 năm 1962, Bộ trưởng Bộ Giáo dục ký Quyết định số: 637/QĐ đổi tên Phân hiệu Đại học Sư phạm Vinh thành Trường Đại học Sư phạm Vinh. Ngày 25 tháng 4 năm 2001, Thủ tướng Chính phủ kí Quyết định số: 62/2001/QĐ-TTg đổi tên Trường Đại học Sư phạm Vinh thành Trường Đại học Vinh. Ngày 11 tháng 7 năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn số: 1136/TTg-KGVX về việc bổ sung Trường Đại học Vinh vào danh sách xây dựng thành trường đại học trọng điểm.
Trường Đại học Vinh là đơn vị hành chính sự nghiệp, trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, có tư cách pháp nhân, có tài khoản, có con dấu và biểu tượng riêng. Quyết định số: 62/2001/QĐ-TTg ngày 25 tháng 4 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định nhiệm vụ của Trường Đại học Vinh là đào tạo giáo viên có trình độ đại học và từng bước mở thêm các ngành đào tạo khác phù hợp với khả năng của Trường và nhu cầu nhân lực của xã hội, nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Trường Đại học Vinh là cơ sở đào tạo đại học đa ngành, đa cấp ở khu vực Bắc Trung Bộ, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và thích ứng nhanh với thế giới việc làm; là trung tâm nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và cả nước; hướng đến là trường đại học trọng điểm quốc gia, có một số ngành đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Tiền thân là trường đại học sư phạm với nhiệm vụ chính là đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nhưng trước những yêu cầu bức thiết về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội nên từ cuối những năm 1980, Đảng ủy, Ban Giám hiệu đã quyết tâm đưa Trường trở thành một trung tâm đào tạo đa ngành. Từ năm 1991, ngoài việc tiếp tục duy trì, phát triển và hoàn thiện các ngành đào tạo sư phạm, Trường đã mở rộng và phát triển hàng chục mã ngành ngoài sư phạm để không ngừng đáp ứng các yêu cầu của xã hội về nhân lực trên các lĩnh vực: kinh tế, nông, lâm, ngư nghiệp, xây dựng, điện tử viễn thông, luật, công nghệ thông tin... Đến nay, Nhà trường đã đào tạo nhiều bậc học, ngành học khác nhau với 15 chuyên ngành tiến sĩ, 31 chuyên ngành thạc sĩ; đào tạo 50 ngành kỹ sư, cử nhân; đào tạo học sinh trung học phổ thông chuyên với 6 môn chuyên (Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học và Tiếng Anh). Quy mô tuyển sinh của Trường ở các hệ, bậc học, ngành, hình thức đào tạo không ngừng tăng lên. Hiện nay toàn Trường có khoảng 42.000 học sinh, sinh viên, học viên. Ngoài ra,  Trường còn liên kết với các cơ sở giáo dục trong và ngoài nước đào tạo các trình độ đại học và sau đại học nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có trình độ cao cho đất nước.
Cơ cấu của Trường Đại học Vinh là trường đại học 3 cấp: Trường, Khoa - Trường trực thuộc, Bộ môn.
Ban Giám hiệu có GS.TS.NGƯT. Đinh Xuân Khoa - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường; các Phó Hiệu trưởng gồm: PGS.TS.NGƯT. Phạm Minh Hùng, PGS.TS.NGƯT. Ngô Sỹ Tùng, PGS.TS. Thái Văn Thành, PGS.TS. Ngô Đình Phương và TS. Mai Văn Tư.
Trường có 18 khoa đào tạo: Khoa Công nghệ Thông tin, Khoa Địa lý - Quản lý tài nguyên, Khoa Điện tử Viễn thông, Khoa Giáo dục, Khoa Giáo dục Chính trị, Khoa Giáo dục Quốc phòng, Khoa Hoá học, Khoa Kinh tế, Khoa Lịch sử, Khoa Luật, Khoa Nông Lâm Ngư, Khoa Sinh học, Khoa Sư phạm Ngoại ngữ, Khoa Sư phạm Ngữ Văn, Khoa Sư phạm Toán học, Khoa Thể dục, Khoa Vật lý và Công nghệ, Khoa Xây dựng; có 2 trường trực thuộc: Trường THPT Chuyên và Trường Thực hành sư phạm.
Có 24 phòng ban, trung tâm, viện, trạm: Tổ chuyên trách, Phòng Công tác chính trị - Học sinh sinh viên, Phòng Đào tạo, Phòng Đào tạo Sau đại học, Phòng Hành chính Tổng hợp, Phòng Khoa học - Hợp tác quốc tế, Phòng Kế hoạch - Tài chính, Phòng Quản trị, Phòng Thanh tra giáo dục, Phòng Tổ chức Cán bộ, Phòng Bảo vệ, Nhà Xuất bản, Trung tâm Công nghệ thông tin, Trung tâm Đảm bảo chất lượng, Trung tâm Đào tạo từ xa, Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng - An ninh Vinh, Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp, Trung tâm Nội trú, Trung tâm Thể dục - Thể thao, Trung tâm Thông tin - Thư viện Nguyễn Thúc Hào, Trung tâm Thực hành - Thí nghiệm, Ban Quản lý các dự án xây dựng, Trạm Y tế.
Có 9 ban, trung tâm chuyên môn, nghiên cứu, ứng dụng: Tạp chí Khoa học, Trung tâm Nghiên cứu Hồ Chí Minh, Trung tâm Môi trường và Phát triển nông thôn, Trung tâm Tư vấn thiết kế và Chuyển giao công nghệ, Trung tâm Kiểm định an toàn Thực phẩm - Môi trường, Trung tâm Thực hành và Tư vấn pháp luật, Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Quản lý dịch vụ, Ban Quản lý các dự án giáo dục.
Có 1 văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh.
Chương trình giáo dục của Trường Đại học Vinh được xây dựng trên cơ sở chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tiếp thu kinh nghiệm các chương trình tiên tiến trên thế giới, đáp ứng nhu cầu xã hội, đảm bảo tính linh hoạt, liên thông. Hiện nay, Trường Đại học Vinh đào tạo theo hệ thống tín chỉ đối với tất cả các bậc học, loại hình đào tạo.
Phát huy truyền thống 55 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Vinh đang quyết tâm xây dựng Nhà trường với khẩu hiệu hành động "Trường Đại học Vinh - Nơi tạo dựng tương lai cho tuổi trẻ" và nét đặc trưng của sinh viên Trường Đại học Vinh "Bản lĩnh - Trí tuệ - Văn minh - Tình nguyện".
Trường Đại học Vinh có hệ thống thư viện, trang thiết bị học tập và cơ sở vật chất ngày càng được hoàn thiện, hiện đại hoá, đáp ứng yêu cầu đào tạo đa ngành. Hệ thống phòng học, giảng đường đạt tiêu chuẩn đã và đang được xây dựng; hệ thống phòng thí nghiệm, thư viện đang được hoàn chỉnh, hiện đại hoá... Ngoài diện tích hiện nay tại khu vực Bến Thuỷ - Trường Thi (14ha), Trường đã được quy hoạch và triển khai xây dựng tại cơ sở II thuộc huyện Nghi Lộc với diện tích 258ha (đã xây dựng xong khoa Nông Lâm Ngư, Trung tâm giáo dục Quốc phòng và một số đơn vị khác). Ngoài ra, Trường còn có Trung tâm nghiên cứu và thực hành nuôi trồng thuỷ sản đặt tại nhiều địa điểm như Hưng Nguyên - Nghệ An, Nghi Xuân - Hà Tĩnh. Nhà trường đã có nhiều giải pháp và kế hoạch tự chủ về tài chính, huy động nhiều nguồn tài chính hợp pháp, đáp ứng các hoạt động.
Đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên của Trường Đại học Vinh không ngừng lớn mạnh. Hiện nay, Nhà trường đã xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt chuẩn về trình độ với 987 người. Trong tổng số 670 giảng viên, có 59 giáo sư, phó giáo sư, 4 giảng viên cao cấp, 181 tiến sĩ, 483 thạc sĩ, 133 giảng viên chính. Ngoài ra, còn có hàng trăm nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia đào tạo đại học và sau đại học tại Trường Đại học Vinh.
Song song với hoạt động đào tạo, hoạt động khoa học công nghệ của Trường Đại học Vinh đã có sự phát triển mạnh về số lượng và chất lượng. Số đề tài nghiên cứu khoa học các cấp tăng lên hàng năm. Trong 10 năm qua cán bộ của Trường đã thực hiện 24 đề tài cấp Nhà nước, 203 đề tài cấp Bộ, 1.857 đề tài cấp cơ sở. Việc gắn hoạt động nghiên cứu khoa học với tư vấn, chuyển giao khoa học công nghệ phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực đã có những kết quả tích cực. Bên cạnh đó, Trường luôn quan tâm đến công tác xuất bản các ấn phẩm khoa học cả về chất lượng, nội dung và hình thức. Thông báo Khoa học của Trường được nâng cấp thành Tạp chí Khoa học vào năm 2003, mỗi năm ra 4 kỳ, 8 số với hình thức và nội dung phong phú, đa dạng, chất lượng bài viết ngày càng tốt hơn và là ấn phẩm để trao đổi thường xuyên với các trường đại học, các viện nghiên cứu trong toàn quốc. Từ năm 2001 đến nay, cán bộ của Trường đã công bố trên 1.500 bài báo ở các tạp chí trong nước và khoảng 260 bài báo ở các tạp chí quốc tế. Hàng năm, Trường đều tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học cấp trường, khu vực, quốc gia và quốc tế. Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên có chuyển biến rõ rệt. Nhiều khoa đào tạo đã đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên và cán bộ trẻ. Số đề tài tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học sinh viên và giải sinh viên nghiên cứu khoa học ngày càng tăng.
Việc mở rộng mối quan hệ, hợp tác với các cơ quan, ban ngành từ trung ương đến địa phương, các trường đại học, các viện nghiên cứu trong và ngoài nước để hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học tiếp tục được đẩy mạnh. Hơn 1.000 lượt lưu học sinh Thái Lan, Trung Quốc, Lào... đã học đại học và sau đại học tại Trường, trong đó có hàng trăm em đã tốt nghiệp. Trường đã hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng cán bộ với trên 40 cơ sở giáo dục đại học và các cơ quan, tổ chức khoa học trong nước và quốc tế. Nhiều cán bộ của Trường là thành viên, cộng tác viên của các hội đồng khoa học hoặc tổ chức khoa học quốc gia, khu vực và quốc tế (Đức, Italia, Nhật Bản, Pháp, Ba Lan, Nga, Canađa, Hoa Kì, Hội Thiên văn quốc tế,…); được mời làm chuyên gia giáo dục và giảng dạy tại nhiều trường đại học.
Hệ thống tổ chức Đảng, đoàn thể của Trường Đại học Vinh luôn đạt danh hiệu tổ chức Đảng, đoàn thể trong sạch, vững mạnh.
Đảng bộ Trường là đảng bộ cơ sở, có 11 Đảng bộ bộ phận, 44 chi bộ và 5 ban xây dựng Đảng). Ban Chấp hành Đảng bộ có 21 uỷ viên. Ban Thường vụ Đảng uỷ có 6 đồng chí: GS.TS.NGƯT. Đinh Xuân Khoa, Bí thư; PGS.TS. Thái Văn Thành, Phó Bí thư; PGS.TS. Ngô Đình Phương, Ủy viên; PGS.TS. Nguyễn Thị Hường, Ủy viên; ThS. Nguyễn Hồng Soa, Ủy viên; PGS.TS. Nguyễn Huy Bằng, Ủy viên, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra.
Công đoàn Trường Đại học Vinh là đơn vị trực thuộc Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Hiện nay do PGS.TS. Nguyễn Thị Hường làm Chủ tịch. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Đại học Vinh là đơn vị trực thuộc của Tỉnh Đoàn Nghệ An. Hiện nay do TS. Nguyễn Anh Chương làm Bí thư. Hội Sinh viên Trường Đại học Vinh trực thuộc Hội Sinh viên Tỉnh Nghệ An. Hiện nay do ThS. Lê Minh Giang làm Chủ tịch. Hội Cựu chiến binh Trường Đại học Vinh trực thuộc Hội Cựu chiến binh tỉnh Nghệ An. Hiện nay do TS. Hoàng Mạnh Hùng làm Chủ tịch.
55 năm xây dựng và trưởng thành, Trường Đại học Vinh được tặng thưởng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý. Nhà trường đã được tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng Nhất (2009, 2014), Huân chương Hữu nghị của Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (2009, 2011), danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kì đổi mới (2004) và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đảng bộ Trường được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An công nhận là đảng bộ cơ sở trong sạch vững mạnh 16 năm liên tục (1998 - 2013). Công đoàn Trường được tặng Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì (2005). Đoàn Trường, Hội Sinh viên được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2004), Huân chương Lao động hạng Ba (2006).
Hiện nay, Nhà trường đang quyết tâm thực hiện tuyên bố sứ mạng Trường Đại học Vinh là cơ sở đào tạo đại học đa ngành cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và đáp ứng nhu cầu xã hội; là trung tâm nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Bắc Trung bộ và cả nước với tầm nhìn đến năm 2020, Trường Đại học Vinh trở thành trường đại học trọng điểm, có một số ngành học đạt tiêu chuẩn quốc tế.